Nữ sinh 20 tuổi giành học bổng tiến sĩ toàn phần ở Mỹ

26/07/2023

Bảo Châu giành học bổng tiến sĩ toàn phần ngành Hóa-Sinh, Đại học Notre Dame (Mỹ), dù chưa tốt nghiệp đại học tại Việt Nam.

Học bổng mỗi năm của Nguyễn Trần Bảo Châu, 20 tuổi, sinh viên năm cuối trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, trị giá 97.200 USD (2,3 tỷ đồng). Số này bao gồm học phí, lương trợ giảng và một số chi phí khác. Theo US News and World report, Notre Dame đứng thứ 18 trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất nước Mỹ.

Nhận email từ Đại học Notre Dame lúc hơn 2h ngày 6/1, Châu vẫn nhớ cảm xúc lẫn lộn khi thấy dòng chữ "Congratulations!" (Chúc mừng). Em nhớ lại quá trình ứng tuyển gấp gáp khi chỉ có sáu tháng chuẩn bị và thấy mọi thứ như một giấc mơ. Kết quả này cũng là lời giải đáp cho cựu nữ sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên về quyết định chuyển hướng từ Toán-Tin sang Hóa-Sinh.

Bảo Châu tại phòng thí nghiệm của trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội

Ngày còn theo học ở trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Châu nói đã rất hứng thú với lĩnh vực Y sinh và thường tìm đọc các tài liệu liên quan. Nữ sinh cũng luôn mong hiểu về các căn bệnh khi chứng kiến bà của mình đau ốm. Em nhận thấy đây là lĩnh vực thiết thực, còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Vì thế, sau khi tốt nghiệp, Châu quyết định theo đuổi ngành Khoa học và Công nghệ Y khoa.

Dù vậy, khi vào học, môn Hóa là thử thách lớn, Châu phải loay hoay tìm cách để hiểu bản chất kiến thức của môn học này. Điểm thi không cao khiến nữ sinh nhiều lần tự hỏi mình, rằng việc chuyển hướng đúng hay sai. Được một người bạn đang học ngành Hóa Sinh, Đại học Duke (Mỹ), tư vấn và hỗ trợ, sau gần hai năm, nữ sinh mới thoát khỏi cảm giác sợ môn học này.

"Lúc đó em mới thấy Hóa và Sinh liên quan nhiều đến nhau, thậm chí Hóa còn là bản chất của Sinh học. Đây cũng là lĩnh vực rất tiềm năng trong nghiên cứu cơ chế bệnh và chế biến thuốc", Châu nói.

Nghiên cứu đầu tiên của Châu bắt đầu vào giữa năm 2022, liên quan tới sự tương tác giữa vi khuẩn với bệnh học ở người. Ngoài ra, Châu còn quan tâm đến tương tác hai chiều của vi khuẩn lên hệ thần kinh của con người. Chẳng hạn, khi stress, một số người bị đau bụng, đau đầu, đó là hệ quả của tác động qua lại giữa não bộ với các vi khuẩn trong cơ thể. Châu cho rằng chỉ khi tìm được cơ chế hoạt động, các nghiên cứu mới tìm được phương pháp ức chế tác động tiêu cực của các loại vi khuẩn.

Khoảng một tháng sau nghiên cứu này, Châu cũng bắt tay vào nghiên cứu thứ hai: thiết kế thuốc mới trong điều trị Alzheimer - một căn bệnh về não, gây ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi và trí nhớ của người bệnh. Để hoàn thành hai nghiên cứu cùng lúc, Châu chỉ có thể làm vào tối và đêm, vì ban ngày phải học và ôn thi trên trường. "Thời gian đó, em sụt cân, mệt mỏi. Em cũng ý thức được làm khoa học là câu chuyện lâu dài, nên cùng lắm thức tới 2-3h sáng chứ không trắng đêm nữa", Châu kể.

Lúc rảnh hoặc khi quá căng thẳng, Châu thường chơi đàn guitar và hát. Theo nữ sinh, cách này giúp em thư giãn và tập trung tốt hơn. Sau khoảng nửa năm, hai nghiên cứu của Châu cho kết quả khả quan. Nghiên cứu về vi sinh sàng lọc được 15 trên tổng số 66 loài thực vật có tiềm năng ức chế cao với 7 loài sinh vật gây bệnh trên người. Còn ở dự án thứ hai, Châu thiết kế được 8 chất mới, có khả năng ức chế một con đường chuyển hóa dẫn đến Alzheimer.

Cùng khoảng thời gian đó, nữ sinh bắt đầu tìm học bổng du học tiến sĩ. Vì điều kiện kinh tế gia đình, em xác định được học bổng toàn phần mới đi. Lý giải việc chọn học tiến sĩ, thay vì thạc sĩ, Châu cho biết em thấy mình phù hợp với nghiên cứu, làm việc độc lập. Làm tiến sĩ sẽ giúp em phát huy được hết khả năng, và Mỹ là lựa chọn phù hợp khi có nguồn học bổng phong phú. Vì muốn nghiên cứu về sự giao thoa giữa y sinh, hóa sinh và thần kinh, Châu chọn Đại học Notre Dame - nơi nhiều giáo sư đang phát triển các đề tài tương tự.

Theo nữ sinh, kết quả của hai nghiên cứu trong thời gian ngắn đã giúp em thể hiện khả năng và tiềm năng nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, Châu nhận định việc chuyển từ Toán-Tin sang Hóa-Sinh có thể trở thành điểm trừ trong hồ sơ du học, phần nào cho thấy ứng viên không chắc chắn về lựa chọn của mình. Trong bài luận chính, nữ sinh đã giải thích rõ lý do em đạt điểm trung bình học tập (GPA) 3.5/4, điểm các môn Hóa học không cao trong hai năm đầu, cùng quá trình thay đổi nhận thức. "Em nghĩ điểm có thể là bất lợi lại trở thành điểm sáng của hồ sơ", Châu nhìn nhận.

Bảo Châu tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội

Trong thư giới thiệu Châu, TS Lê Thị Thu Hằng, giảng viên khoa Khoa học Sự sống, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, cho biết giữa năm 2022, Châu đến gặp cô và nói mong muốn tìm hiểu về lĩnh vực cấu trúc protein và thiết kế thuốc. Khi làm việc cùng, nữ giảng viên ấn tượng với khả năng tự học của Châu về lắp ghép phân tử, kỹ năng nghiên cứu độc lập, dù nền tảng về Hóa khá khiêm tốn.

"Chương trình cử nhân của trường chỉ kéo dài ba năm, nên sinh viên thường phải tham gia các lớp vào buổi tối hoặc cuối tuần. Tôi đánh giá cao khả năng của Châu khi vừa hoàn thành chương trình trên lớp, làm khoa học và hoàn thành luận án", cô Hằng viết.

Còn TS Nguyễn Quang Huy, phó trưởng khoa Khoa học Sự sống, cũng là người hướng dẫn khóa luận, đánh giá nữ sinh có khả năng tiếp thu các kỹ thuật trong phòng thí nghiệm và kiến thức mới, dù không có nhiều thời gian để chuẩn bị.

Châu đang tập trung hoàn thành luận án để bảo vệ vào khoảng tháng 6 tới. Tham khảo một số giảng viên, nữ sinh được lưu ý về việc có thể choáng ngợp trước chương trình, môi trường học và nghiên cứu ở Mỹ. Do đó, trong thời gian này, nữ sinh cũng tự học thêm kiến thức chuyên ngành và những kỹ năng nghiên cứu cần thiết ở bậc tiến sĩ.

"Em chưa từng đi máy bay hay ra nước ngoài, chuyến đi đầu tiên là Mỹ nên em rất mong chờ hành trình sắp tới", Châu nói

Bài viết khác

Xem thêm